Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Ước mơ nhỏ bé của đôi vợ chồng già


Người ta thường nói, người già là vốn quý của xã hội. Bởi, với vốn sống quý giá tích lũy của mình, những bậc cao niên sẽ truyền đạt, dạy dỗ điều hay lẽ phải giúp con cháu nên người. Với ý nghĩa đó, bổn phận phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là chuyện đương nhiên của mọi người. Thế nhưng, trong cuộc sống, vẫn còn nhiều hoàn cảnh khốn khó của người cao tuổi rất cần được chia sẻ…
Ông Đinh Văn Ngàn (SN 1930) và bà Trương Thị Thơi (SN 1931), ngụ tổ 2, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc, Tân Uyên, là đôi vợ chồng già gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống lại phải nuôi con bị bệnh tâm thần. Vợ chồng ông Ngàn có tất cả 3 người con trai là các anh Đinh Văn Bình, Đinh Văn Hòa và Đinh Văn Sang. Các anh Hòa và Sang đều đã có vợ, tuy nhiên do công việc không ổn định nên cuộc sống cũng rất khó khăn, ít có điều kiện hỗ trợ cho cha mẹ. Riêng anh Bình, là gánh nặng cho ông bà do mắc bệnh tâm thần đã lâu, mọi sinh hoạt thường ngày đều phải nhờ đến sự chăm sóc của đôi vợ chồng già.
 
 Vợ chồng ông Ngàn bên căn chòi lá của anh Bình

Gia cảnh của vợ chồng ông rất khó khăn. Ông Ngàn cho biết, do tuổi cao, sức yếu nên ông bà không thể làm kinh tế để cải thiện cuộc sống mà phải phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Nhà nước. Hàng tháng, với số tiền hơn 1 triệu đồng (trợ cấp người cao tuổi của hai ông bà 340.000 đồng/ người và tiền trợ cấp cho người mắc bệnh tâm thần của anh Bình 510.000 đồng), ông bà phải chi tiêu tằn tiện mới có thể sống đắp đổi qua ngày. Chỉ với vài bụi rau, một giàn mướp đã già cùng căn nhà trống hoác từ trước đến sau, chẳng có vật gì giá trị ngoài chiếc tivi hỏng vẫn được ông bà để ở phòng khách, khó có thể hình dung được cuộc sống của hai ông bà như thế nào trong những ngày qua. Ông Ngàn cho biết thêm, trước đây gia đình tôi cũng có vài mảnh ruộng để trồng trọt sinh sống, nhưng từ khi thằng Bình trở bệnh, bao nhiêu tiền bạc đất đai đều phải bán đi để chữa bệnh cho nó nhưng cũng không thuyên giảm là bao. Giờ nó không còn ở chung với chúng tôi nữa mà ra ngoài đồng cất chỗ này, chỗ kia mấy cái chòi lá rồi ở thu lu trong đó luôn. Cũng may là tuy mắc bệnh nhưng nó chưa hề quậy phá ai cả, chỉ những lúc lên cơn thì la hét tí thôi. Vậy nên chúng tôi mới đỡ khổ, chứ không thì với hai thân già chẳng biết làm sao nữa.
Thật sự khi chứng kiến gia cảnh của ông bà, có lẽ ai cũng phải thương xót. Bản thân cả ông Ngàn và vợ đều đi đứng rất khó khăn (riêng bà Thơi do trước đây bị tai nạn vỡ xương chậu nên di chuyển đều phải chống gậy) nhưng chiều chiều vẫn phải lặn lội đi tìm và lo cơm nước cho người con bị bệnh. “Khổ nhất là những lúc trái gió trở trời, bệnh tuổi già hành hạ không thể đi đâu, nằm đó mà chỉ nghĩ cho thằng con tội nghiệp, không biết lúc này nó làm gì, ra sao… cảm giác đó thật đau xót vô cùng”, vợ ông Ngàn tâm sự.
Ở tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Ngàn đang phải chống chọi với bệnh tật, cố gắng vượt qua nghịch cảnh chỉ bằng tình thương yêu con vô bờ bến của mình. Nhưng thử thách nghiệt ngã của thời gian đang làm cho hai tấm thân già đáng thương ngày một rệu rã, họ cần lắm sự giúp đỡ hơn nữa từ chính quyền địa phương, từ các nhà hảo tâm; từ những bậc cha mẹ đã, đang và sẽ mãi mãi yêu thương con mình… Hãy giúp đôi vợ chồng già thực hiện tâm nguyện của đời mình, giúp anh Bình bớt bệnh để trở về với gia đình.

 BÌNH MINH

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012






















       Sự kiện Đại Hội Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhan nghèo huyện Tân Uyên nhiệm kỳ II ( 2012-2017 )

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

DAI HOI HOI BAOTRO NKT-TMC-BNN HUYEN TÂN UYEN LAN THU II NHIEM KY II (2012-2017)

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Tôi mong có tiền để được chạy thận


Người phụ nữ nhỏ thó, nghèo khổ… lầm lũi tìm đến Báo Bình Dương để được mong giúp đỡ. Bởi giờ đây chị không còn con đường nào khác để đi. Gia đình gần như kiệt quệ vì gần 2 năm nay phải lo tiền cho chị chạy thận nhân tạo… Chị là Lê Thị Hiền, tạm trú ở xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên.
Từ quê hương Đồng Tháp, vợ chồng chị cùng đứa con trai lớn khăn gói lên Bình Dương làm công nhân với mong muốn đổi đời. Bởi ở quê, cuộc sống quá khó khăn. Làm công nhân xưởng gốm chưa được bao lâu, chị đã té xỉu… Các bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh suy thận mãn, muốn kéo dài sự sống phải đặt máy và chạy thận 2 lần/tuần… Từ đó đến nay đã gần 2 năm, đều đặn vào ngày thứ 3, 6 hàng tuần, chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận nhân tạo. Bản thân chị chạy thận nên cơ thể yếu ớt đâu thể làm được gì, ngoài chuyện lo cơm nước trong nhà. Còn chồng, con chị làm công nhân đồng lương ba cọc ba đồng mà mỗi tuần chạy thận, thuốc men hết cả triệu đồng. Chưa kể những lần quá mệt, căn bệnh cao huyết áp hành hạ, chị phải nằm lại bệnh viện vài ngày, có khi đến nửa tháng để điều trị. Bao nhiêu tiền chồng, con làm công nhân đều trôi theo căn bệnh của chị. Đến nay thì gia đình chị gần như kiệt quệ.
 
Nghĩ về những ngày sắp tới, chị Hiền rươm rướm nước mắt. “Hãy gọi đến chúng tôi”

Cầm những hóa đơn tiền chạy thận, thuốc men mỗi ngày một dày thêm, chị Hiền rưng rưng nước mắt: Chạy thận về mệt, người ta uống sữa… còn mình chỉ ráng nuốt được hột cơm nào hay hột cơm nấy bởi làm gì có tiền. Hiện tại, mỗi tháng chỉ tính tiền nhà trọ đã hết 800.000 đồng. Chắt mót lắm mới đủ tiền chạy thận, vì vậy, cả nhà hầu như chỉ rau, cháo qua ngày. Chạy được đợt thận hôm nay, cả nhà phải đau đáu lo tiền cho đợt chạy thận tới. Nhiều lúc không tiền chị nghĩ đến chuyện bỏ chạy thận, nhưng đâu thể vì chạy thận đòi hỏi một quy trình rất nghiêm ngặt. Nếu không chạy kịp thời thì cơ thể chẳng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc” và phải chạy thận cấp cứu thì còn tốn kém gấp bội.
Suy thận mãn được xếp vào bệnh “nhà giàu” bởi phải điều trị suốt đời và rất tốn kém. Nhưng chị nghèo, nghèo đến “rớt mồng tơi” lại mắc căn bệnh hiểm ác này. “Sự sống của tôi được đếm qua những lần chạy thận. Hễ còn chạy thì còn sống mà không có tiền chạy thì…”- chị Hiền không dám nghĩ tới nữa.
Vì vậy, chị Hiền mong tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người giúp đỡ để chị có tiền tiếp tục điều trị, có như vậy mới mong kéo dài được sự sống.
THU THẢO

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Tiếp sức cho chàng trai tật nguyền

 
Bất chấp cơn đau hành hạ, hàng ngày Lê Văn Liệu (24 tuổi, quê ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn lê cái chân trái đau buốt trên các ngả đường ở khu vực huyện Tân Uyên, Bình Dương để bán vé số. Liệu nói mình phải cố gắng hơn nữa để kiếm tiền chữa chân và lo cho người mẹ tàn tật.
Tai nạn giao thông xảy đến khiến chàng lai Liệu giàu nghị lực và khát khao cống hiến đã trở thành tàn phế, vụ việc xảy ra đã cách đây 2 năm. Khi đó Liệu là Phó Bí thư Đoàn thôn Đông Đoài, xã Quảng Đông. Chập choạng tối, trên đường đi sinh hoạt về, khi cùng bạn băng qua đường, Liệu đã bị một chiếc ô tô va quẹt. Gây tai nạn xong chiếc xe này tiếp tục lao đi. Bạn Liệu đã báo cơ quan chức năng dừng xe lại. Tài xế đã say rượu. Vụ tai nạn hôm đó đã khiến Liệu gãy cả hai chân.
 
 Lê Văn Liệu mưu sinh hàng ngày và chống chọi với từng cơn đau do chân trái hành hạ
Liệu không có cha. Mẹ liệu, bà Lê Thị Lập cũng bị bệnh nan y liệt tay trái, dù vậy bà cũng cố gắng cho con trai đi học. Đến lớp 9 thì do kinh tế quá khó khăn, Liệu nghỉ học phụ giúp mẹ cày cấy trên một sào ruộng. Không còn đi học nữa, đêm đêm Liệu cùng các thanh niên, đoàn viên trong thôn tập hợp sinh hoạt rất xôm tụ. Và tai nạn đó đã khiến Liệu trở thành tàn phế suốt hơn 1 năm trời cũng như tiêu tốn nhiều tiền chữa chạy khiến kinh tế gia đình đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Nhìn mẹ phải thức khuya dậy sớm làm đủ thứ việc chỉ mong có tiền lo cho đứa con trai mà Liệu đau thắt lòng. Vì vậy, sau khi bác sĩ chỉ định vết thương tạm ổn, có thể đi lại được là Liệu lao vào làm việc bất kể khó nhọc mong bù đắp cho mẹ và thỏa nỗi khát khao được làm việc. Đến đêm, Liệu lại cùng các bạn đoàn viên, thanh niên trong thôn tổ chức sinh hoạt. Điều Liệu không nghĩ đến đã xảy ra, do làm việc nặng quá sức khiến cái chân trái của Liệu đã tái phát chấn thương. Do mang vác nhiều ngày nên hai đầu xương gãy không còn trụ thẳng được  mà bị cong lại, phù ra gây đau nhức.
Công việc ở thôn không đủ tiền mua thuốc, Liệu đánh liều vào Bình Dương tìm việc làm vừa đỡ đần được cho mẹ, vừa có tiền mua thuốc uống. Mẹ Liệu không nói gì, bà chỉ gạt nước mắt nhìn con bước lên xe cùng cây nạng gỗ mà không biết với bệnh tình này con trai sẽ làm gì để sống giữa chốn quê người. Nhưng bà hy vọng với nghị lực con trai sẽ tìm được việc làm.
Đầu năm 2012, Liệu đến ở trọ tại Bình Dương cùng một người bạn và bắt đầu tìm việc làm. Không ai dám nhận một thanh niên tật nguyền. Sau đó Liệu đến thuê phòng ở trọ tại ấp Tân Hóa, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên và được bà chủ nhà trọ bảo lãnh với chủ đại lý vé số để Liệu được nhận vé số đi bán dạo. Hàng ngày, với cây nạng gỗ và cái chân trái luôn lên cơn đau hành hạ chàng trai này vẫn cố gắng đi bộ hàng chục cây số để bán vé số. Liệu nói có khi đau quá thì ghé tiệm thuốc tây mua viên thuốc giảm đau uống rồi đi bán tiếp. Liệu bảo, anh phải có gắng chấp nhận và cố quên cơn đau để kiếm tiền lo cho mẹ tật nguyền cũng như mua thuốc cho bản thân mình. Nhưng cái ước nguyện tưởng chừng đơn giản ấy đối với Liệu là không đơn giản khi mà hiện sức khỏe của Liệu đã có dấu hiệu xấu đi. Liệu cho biết cái chân trái đã cong nhiều, phù ra và càng ngày càng đau hơn trước, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm và không có khả năng hồi phục. Với thu nhập từ việc bán vé số dạo thì để có tiền ăn, đóng tiền phòng trọ để sống qua ngày và uống thuốc giảm đau là đã khó huống hồ chi tiền phẫu thuật. Hành trình vật lộn với cuộc mưu sinh tìm lại sức khỏe để phụng dưỡng mẹ già của chàng trai ấy rất cần sự giúp đỡ, đồng hành của những tấm lòng nhân ái.  

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Hãy mang sự sống đến cho một gia đình đầy nghị lực

  Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may đồ

Thông thường, trong các loại bệnh, bệnh liên quan đến máu đều là những bệnh ngặt nghèo và nguy hiểm. Một gia đình có người mắc bệnh này đã là nỗi bất hạnh chứ đừng nói đến nhiều người. Thế nhưng có những gia đình vẫn đang phải đối mặt với thực tế đau lòng đó...
Gia đình của anh Huỳnh Tấn Dũng ngụ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên có đến 3 người bị mắc bệnh thalassemia dạng A (còn gọi là alpha-thalassemia, dạng nặng nhất của bệnh thalassemia, những người mắc bệnh này thường bị thiếu máu kinh niên do hồng cầu bị vỡ sớm hơn và làm tủy xương phải làm việc quá sức, trong một số trường hợp bệnh rất trầm trọng và không sống được lâu).
Tiếp chúng tôi ngay từ cửa vào, anh Dũng dù cố niềm nở nhưng vẫn không giấu được vẻ xanh xao, tiều tụy bởi căn bệnh đang hành hạ. Anh cho biết, trước đây anh khỏe mạnh và to con lắm, nhưng từ khi đổ bệnh đến giờ đã sụt đến hơn 20kg, giờ chỉ còn hơn 45kg mà thôi. Cách đây mấy bữa anh vẫn còn nằm liệt giường, chỉ mới khỏe lên vài hôm nay và cũng vừa đi bệnh viện về. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng tiếp lời chồng: Sau 12 năm lấy nhau, chúng tôi có 2 con. Cháu lớn là Huỳnh Thanh Thảo Trúc, SN 2002, còn cháu nhỏ là Huỳnh Tấn Trường, SN 2010. Và cả hai cháu cũng đều kém may mắn như cha khi cùng mắc căn bệnh thalassemia quái ác. Theo các bác sĩ chẩn đoán, cũng giống như cha, bệnh tình của bé Trường đang ngày một nặng hơn và nếu có được chữa trị thì cũng rất khó có khả năng dứt bệnh, bởi tỷ lệ chỉ là 1/1.000.
 
Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may đồ
Nhìn 3 cha con anh xanh xao, héo hon như tàu lá mới cảm nhận được sự tàn phá sức khỏe của căn bệnh lên con người. Buồn rười rượi, bé Thảo Trúc nói: Con là người bệnh nhẹ nhất nhà, chỉ phải uống thuốc thôi nhưng sao lúc nào con cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Những lúc muốn giúp mẹ làm việc nhà hay vui chơi cùng bạn bè mà không được, con buồn lắm.
Hiện tại, do bé Thảo bệnh nhẹ nên chỉ phải uống thuốc, còn lại anh và bé Trường phải truyền máu, uống thuốc và tái khám thường xuyên để theo dõi sát sao bệnh tình, đề phòng tình huống trở nặng bất ngờ. Chi phí dành cho việc tái khám truyền máu và mua thuốc rất tốn kém. Cứ 3 tháng một lần, hai cha con anh lại phải đi đến bệnh viện để truyền máu và mua thuốc, tính riêng mỗi người đã mất gần 2 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc anh và bé Trường vẫn thường xuyên bệnh đau trong quãng thời gian giữa kỳ tái khám.
Khó khăn chồng chất khó khăn với gia đình anh chị, bởi hiện tại cả hai đều không có công việc thật sự ổn định. Ngày trước, bằng nghề may tại nhà anh có thể kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày, nhưng kể từ khi đổ bệnh anh đành phải trông cậy tất cả vào vợ, bởi thời gian nằm viện của mình còn nhiều hơn ở nhà. Trong khi đó, vì để có thời gian chăm sóc chồng con, chị Thanh Hồng buộc phải nghỉ làm công nhân và xin làm việc bán thời gian ở chợ gần nhà, ky cóp cả tháng với các công việc chị cũng chỉ dành được khoảng 3 triệu đồng, cộng với khoản trợ cấp 340.000 đồng hàng tháng của thị trấn Uyên Hưng, vẫn là một số tiền quá ít ỏi so với thực tế mà gia đình chị cần lúc này. Mấy tháng trước còn ở nhà trọ, nhưng do chi phí phát sinh quá cao, vợ chồng anh chị buộc phải dọn về nhà ngoại để ở tạm cùng tìm sự cưu mang của ông bà. Tuy nhiên, do ông bà ngoại tuổi cũng đã cao nên khả năng giúp đỡ cũng chỉ có hạn mà thôi. Bây giờ bao nhiêu gánh nặng gia đình đang dồn hết lên vai của người vợ.
Tuy nhiên, trong lúc trò chuyện, chúng tôi vẫn thấy trong ánh mắt của chị sự lạc quan và một niềm tin mãnh liệt, có lẽ đây là động lực để giúp chị và gia đình đứng vững trước những khó khăn hiện tại. “Vẫn biết căn bệnh của gia đình tôi là rất khó chữa trị, chi phí lại rất cao, nhưng dù có trải qua bao nhiêu khó khăn đi nữa tôi cũng sẽ luôn cố gắng làm việc để kiếm tiền chữa bệnh cho chồng con. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là thấy họ được sống khỏe mạnh...”, chị Thanh Hồng tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Huỳnh Tấn Dũng xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Tuổi già đơn lẻ


 
Gia đình là tổ ấm. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh (Tân Uyên) suốt mấy mươi năm qua bà sống cô đơn, lẻ bóng. Giờ đây đã bước qua tuổi 80, bà vẫn sống lầm lũi trong căn nhà không có người thân thích.
Bà giải thích, bà con xung quanh đa số đều có cao su, lũ chó con, mèo con ăn vào rồi chết, nên họ đem đến nhờ bà nuôi hộ, đến khi chúng đủ “khôn” thì tiếp tục đưa về nuôi. Đổi lại, họ cho bà, khi thì chén cơm, ổ bánh mì ăn qua bữa. Hiện bà đang sống trong căn nhà tình thương do địa phương xây tặng. Quả thật căn nhà không có gì đáng giá, trong nhà là mấy chiếc giường cũ kỹ với mớ quần áo cũ chất đống đến ngộp thở do xóm giềng cho bà mặc. Căn bếp không có gì ngoài mớ chai lọ bà lượm để dành bán ve chai. Mọi sinh hoạt của bà Anh gần như là ở ngoài sân. Một góc sân là bếp củi với vài cái nồi sứt quai. Gia vị nấu nướng rất nghèo nàn, chỉ có chai nước mắm, hũ muối, vài hũ mắm ruốc đã cạn. Lương thực thì không thấy đâu cả. Khi được hỏi ngày nay ăn gì, bà trả lời: có gì đâu mà ăn. Trưa rồi tính! Không có tiền thì bà đi mua thiếu, mua chịu. Rồi bà kể đang còn nợ tiền thức ăn, tiền gạo, tiền mặt khoảng gần 500.000 đồng, không biết lấy đâu mà trả.
 
Thỉnh thoảng ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ấp Phú Bưng đến hỏi thăm cuộc sống của bà Ngọc Anh
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh cho biết, bà Ngọc Anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà đã được địa phương xây, sửa nhà tình thương nhiều lần, hàng tháng được lãnh trợ cấp 340.000 đồng, được Hội Chữ thập đỏ xã cấp 10kg gạo mỗi tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế người nghèo. Số tiền này dù không thấm tới đâu nhưng cũng có để bà phần nào xoay xở trong cuộc sống hàng ngày.
Ngay từ khi sinh ra, bà Ngọc Anh đã là người bất hạnh. Mẹ bà đã mất khi bà vừa chào đời tại bệnh viện. Kể từ đó, bà sống cô đơn một mình cho đến tận bây giờ. Ký ức tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày buồn. Ngày ngày, bà sống lầm lũi, quạnh quẽ trong căn nhà đơn sơ ấy. Tivi không có, radio cũng không, bà như người sống biệt lập trong cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống. Có lẽ vì nghèo, thất học, nên bà đã quen với lối sống ấy rồi chăng?
Không gia đình, không tài sản, cả đời bà chỉ biết làm mướn, làm thuê.  Khi còn trẻ, ngày ngày bà đi giẫy cỏ mướn kiếm sống. Vì thương bà nên bà con hay cho thêm tiền mỗi khi có việc nhờ đến bà. 3 năm trở lại đây, do tuổi già, sức yếu, bà không còn đi làm được nữa, chỉ biết sống nhờ vào tình thương của bà con lối xóm. Chị Xuân, một hàng xóm của bà Ngọc Anh kể: “Hoàn cảnh bà thật tội nghiệp. Vì thiếu ăn, thiếu mặc nên trông bà gầy đét vậy đó. Dù nghèo không có ăn nhưng bà thương chó, mèo lắm. Hễ ai cho ổ bánh mì là bà ăn một nửa, chó, mèo ăn một nửa. Thấy vậy nên nhiều người đem chó con, mèo con đến nhờ bà chăm sóc giùm”.
Đến nay, bà Ngọc Anh đã bước qua tuổi 80. Theo thời gian, tuổi ngày càng cao mà sống một mình, chẳng may đêm hôm trái gió trở trời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy mà khi chúng tôi gợi ý vô sống ở trại dưỡng lão, bà gạt phăng: Tôi ở tự do quen rồi, vô đó có người quản lý tôi thấy khó chịu lắm. Rồi bà cứ gặng hỏi chúng tôi ghi chép cuộc đời bà để làm gì? Chúng tôi bảo rằng, để các nhà hảo tâm đọc được bài báo viết về bà mà hỗ trợ. Trước mắt, lãnh đạo Báo Bình Dương sẽ đến thăm và tặng bà 2 triệu đồng, giúp bà trang trải cuộc sống. Khi nghe nói đến tiền triệu, bà mừng như vớ được vàng. Bởi cả cuộc đời bà luôn sống thiếu trước, hụt sau, làm gì có tiền triệu trong tay, bà vui mừng cũng là hợp lẽ.
H.Thái

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Mong có một phép màu!

Được sự giới thiệu, hướng dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm đến địa chỉ tổ 1, khu phố 8, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên để thăm gia đình bé Nguyễn Quốc An - một cháu bé chưa tròn 6 tuổi lại phải đang sống mòn mỏi, vật vã từng ngày vì căn bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu).
Bà ngoại phải luôn ở bên cạnh để chăm sóc cho bé An
Tiếp chúng tôi, bà ngoại cháu là bà Đoàn Thị Lùn cho biết, bà có một người con duy nhất là chị Trương Thị Minh Trang, gia cảnh vốn đã khó khăn nhưng cũng không đến nỗi. Đến khi chị Trang lập gia đình và sinh ra cháu Nguyễn Quốc An thì chuyện không may xảy đến, khi vừa sinh ra cháu An đã bị căn bệnh bạch cầu cấp bẩm sinh. Theo yêu cầu của bác sĩ, do bị bệnh này cháu An không được vận động nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó từ lúc còn bé cho đến nay đã gần 6 tuổi cháu An không được đến trường mà chỉ quanh quẩn ở nhà cùng bà ngoại, mẹ mình và các bạn gần nhà. Điều không may không chỉ dừng lại ở đó, khi cháu An vừa được 2 tuổi thì ba của cháu là anh Nguyễn Hữu Nghĩa qua đời vì tai nạn giao thông nên gia đình đã khó lại càng thêm khó...

Trước đây, bà Đoàn Thị Lùn còn đi làm thêm việc này, việc nọ để phụ giúp con gái và cháu ngoại, nhưng kể từ khi bệnh cháu An trở nặng thì bà đành phải nghỉ hẳn ở nhà để chăm sóc cháu, mọi gánh nặng mưu sinh đành đặt lên vai của con gái bà là chị Trang. Song với đồng lương công nhân eo hẹp phải nuôi cả gia đình 3 người, trong đó có một cháu bé đang bị căn bệnh nan y mà muốn chữa trị hoặc kéo dài sự sống là niềm mơ ước của cả nhà. Gia đình được bác sĩ cho biết bệnh của cháu An phải ghép tủy cháu mới có cơ hội bình phục hoàn toàn, nhưng nếu muốn ghép tủy phải chi phí trên 2 tỷ đồng... Trước khoản tiền quá lớn cả đời làm cũng không thể kiếm ra, mẹ con chị Trang chỉ biết than trời và rớt nước mắt vì mới chỉ lo cho chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cộng thêm tiền khám bệnh, tiền thuốc cho cháu An chị Trang đã kiệt sức, thường xuyên phải vay mượn bà con lối xóm, họ hàng lấy đâu ra tiền tỷ để trị bệnh cho con.
Được biết để duy trì sự sống cho cháu An, tùy theo tình hình sức khỏe của cháu cứ khoảng 3 tuần 1 lần, hoặc sớm hơn gia đình phải đưa cháu đi khám bệnh, mua thuốc uống với chi phí mỗi lần khoảng 1 triệu đồng, song cũng chưa biết lo nổi chi phí này cho cháu An được bao lâu nữa vì gia đình đã quá kiệt quệ. Trong khi đó, do bị bệnh ngặt nghèo cháu An thường xuyên khó thở và bị ngất nên trong lồng ngực phải đặt máy để kịp thời truyền máu trực tiếp qua tim khi cần thiết.
Hiện cháu Nguyễn Quốc An đang ở cùng bà ngoại và mẹ tại ngôi nhà tình nghĩa do địa phương cấp cho bà Đoàn Thị Lùn (bà Lùn là con liệt sĩ). Nhà cấp đã lâu, theo thời gian đã xuống cấp nhưng do gia đình quá khó khăn nên chưa có điều kiện tu sửa. Địa phương cũng đã quan tâm đưa gia đình vào diện chính sách và trợ cấp mỗi tháng 340.000 đồng; một số tổ chức cũng có đến hỗ trợ vài lần nhưng tất cả dồn vào chi phí khám, truyền máu, mua thuốc cho cháu An nên chỉ như muối bỏ bể. Còn chị Trang do phải thường xuyên nghỉ việc đột xuất để phụ mẹ mình chăm con nên lâu lâu lại bị đơn vị cho nghỉ việc, phải đi tìm việc nơi khác...
Nhìn cháu bé lanh lợi, có khuôn mặt thông minh nhưng da dẻ xanh xao, dáng vóc gầy còm ai cũng xót lòng. Mong sao có những phép màu để cháu bé bất hạnh này được điều trị bệnh, hoặc gia đình có thêm điều kiện để truyền máu, mua thuốc, bồi dưỡng để cháu Nguyễn Quốc An được kéo dài cuộc sống bên cạnh bà ngoại và mẹ của mình được ngày nào hay ngày ấy.
Mọi sự giúp đỡ cháu Nguyễn Quốc An xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ tổ 1, khu phố 8, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên.
BÌNH MINH

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

CLB Nữ doanh nhân Bình Dương trao tặng mái ấm tình thương cho 3 đối tượng xã hội

(BDO) Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Bình Dương vừa tiến hành trao tặng 3 mái ấm tình thương cho bà Bùi Kim Phượng, ông Lý Thế Hồng, ở thị trấn Tân Phước Khánh và ông Hồ Thành Khoa ở xã Thạnh Hội (Tân Uyên). Mỗi căn nhà có giá trị 30 triệu đồng. 


Đại diện CLB Nữ doanh nhân Bình Dương trao tặng mái ấm tình thương cho bà Bùi Kim Phượng. 
Đây là những đối tượng xã hội neo đơn, tàn tật đang gặp khó khăn về nhà ở.
Thu Thảo

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Lễ Trao Học bổng và Xe đạp cho SV, HS nghèo và HS khuyết tật, mồ côi, nghèo
huyện Tân Uyên