Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may
đồ
Gia đình của anh Huỳnh Tấn Dũng ngụ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn
Uyên Hưng, huyện Tân Uyên có đến 3 người bị mắc bệnh thalassemia dạng A (còn gọi
là alpha-thalassemia, dạng nặng nhất của bệnh thalassemia, những người mắc bệnh
này thường bị thiếu máu kinh niên do hồng cầu bị vỡ sớm hơn và làm tủy xương
phải làm việc quá sức, trong một số trường hợp bệnh rất trầm trọng và không sống
được lâu).
Tiếp chúng tôi ngay từ cửa vào, anh Dũng dù cố niềm nở nhưng vẫn
không giấu được vẻ xanh xao, tiều tụy bởi căn bệnh đang hành hạ. Anh cho biết,
trước đây anh khỏe mạnh và to con lắm, nhưng từ khi đổ bệnh đến giờ đã sụt đến
hơn 20kg, giờ chỉ còn hơn 45kg mà thôi. Cách đây mấy bữa anh vẫn còn nằm liệt
giường, chỉ mới khỏe lên vài hôm nay và cũng vừa đi bệnh viện về. Vợ anh, chị
Nguyễn Thị Thanh Hồng tiếp lời chồng: Sau 12 năm lấy nhau, chúng tôi có 2 con.
Cháu lớn là Huỳnh Thanh Thảo Trúc, SN 2002, còn cháu nhỏ là Huỳnh Tấn Trường, SN
2010. Và cả hai cháu cũng đều kém may mắn như cha khi cùng mắc căn bệnh
thalassemia quái ác. Theo các bác sĩ chẩn đoán, cũng giống như cha, bệnh tình
của bé Trường đang ngày một nặng hơn và nếu có được chữa trị thì cũng rất khó có
khả năng dứt bệnh, bởi tỷ lệ chỉ là 1/1.000.
Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may
đồ
|
Nhìn 3 cha con anh xanh xao, héo hon như tàu lá mới cảm nhận được sự
tàn phá sức khỏe của căn bệnh lên con người. Buồn rười rượi, bé Thảo Trúc nói:
Con là người bệnh nhẹ nhất nhà, chỉ phải uống thuốc thôi nhưng sao lúc nào con
cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Những lúc muốn giúp mẹ làm việc nhà hay vui chơi cùng
bạn bè mà không được, con buồn lắm.
Hiện tại, do bé Thảo bệnh nhẹ nên chỉ phải uống thuốc, còn lại anh và
bé Trường phải truyền máu, uống thuốc và tái khám thường xuyên để theo dõi sát
sao bệnh tình, đề phòng tình huống trở nặng bất ngờ. Chi phí dành cho việc tái
khám truyền máu và mua thuốc rất tốn kém. Cứ 3 tháng một lần, hai cha con anh
lại phải đi đến bệnh viện để truyền máu và mua thuốc, tính riêng mỗi người đã
mất gần 2 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc anh và bé Trường vẫn thường xuyên
bệnh đau trong quãng thời gian giữa kỳ tái khám.
Khó khăn chồng chất khó khăn với gia đình anh chị, bởi hiện tại cả
hai đều không có công việc thật sự ổn định. Ngày trước, bằng nghề may tại nhà
anh có thể kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày, nhưng kể từ khi đổ bệnh anh đành
phải trông cậy tất cả vào vợ, bởi thời gian nằm viện của mình còn nhiều hơn ở
nhà. Trong khi đó, vì để có thời gian chăm sóc chồng con, chị Thanh Hồng buộc
phải nghỉ làm công nhân và xin làm việc bán thời gian ở chợ gần nhà, ky cóp cả
tháng với các công việc chị cũng chỉ dành được khoảng 3 triệu đồng, cộng với
khoản trợ cấp 340.000 đồng hàng tháng của thị trấn Uyên Hưng, vẫn là một số tiền
quá ít ỏi so với thực tế mà gia đình chị cần lúc này. Mấy tháng trước còn ở nhà
trọ, nhưng do chi phí phát sinh quá cao, vợ chồng anh chị buộc phải dọn về nhà
ngoại để ở tạm cùng tìm sự cưu mang của ông bà. Tuy nhiên, do ông bà ngoại tuổi
cũng đã cao nên khả năng giúp đỡ cũng chỉ có hạn mà thôi. Bây giờ bao nhiêu gánh
nặng gia đình đang dồn hết lên vai của người vợ.
Tuy nhiên, trong lúc trò chuyện, chúng tôi vẫn thấy trong ánh mắt của
chị sự lạc quan và một niềm tin mãnh liệt, có lẽ đây là động lực để giúp chị và
gia đình đứng vững trước những khó khăn hiện tại. “Vẫn biết căn bệnh của gia
đình tôi là rất khó chữa trị, chi phí lại rất cao, nhưng dù có trải qua bao
nhiêu khó khăn đi nữa tôi cũng sẽ luôn cố gắng làm việc để kiếm tiền chữa bệnh
cho chồng con. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là thấy họ được sống khỏe mạnh...”,
chị Thanh Hồng tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Huỳnh Tấn Dũng xin liên hệ các số điện
thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương;
hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng,
huyện Tân Uyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét