Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Tiếp sức cho chàng trai tật nguyền

 
Bất chấp cơn đau hành hạ, hàng ngày Lê Văn Liệu (24 tuổi, quê ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn lê cái chân trái đau buốt trên các ngả đường ở khu vực huyện Tân Uyên, Bình Dương để bán vé số. Liệu nói mình phải cố gắng hơn nữa để kiếm tiền chữa chân và lo cho người mẹ tàn tật.
Tai nạn giao thông xảy đến khiến chàng lai Liệu giàu nghị lực và khát khao cống hiến đã trở thành tàn phế, vụ việc xảy ra đã cách đây 2 năm. Khi đó Liệu là Phó Bí thư Đoàn thôn Đông Đoài, xã Quảng Đông. Chập choạng tối, trên đường đi sinh hoạt về, khi cùng bạn băng qua đường, Liệu đã bị một chiếc ô tô va quẹt. Gây tai nạn xong chiếc xe này tiếp tục lao đi. Bạn Liệu đã báo cơ quan chức năng dừng xe lại. Tài xế đã say rượu. Vụ tai nạn hôm đó đã khiến Liệu gãy cả hai chân.
 
 Lê Văn Liệu mưu sinh hàng ngày và chống chọi với từng cơn đau do chân trái hành hạ
Liệu không có cha. Mẹ liệu, bà Lê Thị Lập cũng bị bệnh nan y liệt tay trái, dù vậy bà cũng cố gắng cho con trai đi học. Đến lớp 9 thì do kinh tế quá khó khăn, Liệu nghỉ học phụ giúp mẹ cày cấy trên một sào ruộng. Không còn đi học nữa, đêm đêm Liệu cùng các thanh niên, đoàn viên trong thôn tập hợp sinh hoạt rất xôm tụ. Và tai nạn đó đã khiến Liệu trở thành tàn phế suốt hơn 1 năm trời cũng như tiêu tốn nhiều tiền chữa chạy khiến kinh tế gia đình đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Nhìn mẹ phải thức khuya dậy sớm làm đủ thứ việc chỉ mong có tiền lo cho đứa con trai mà Liệu đau thắt lòng. Vì vậy, sau khi bác sĩ chỉ định vết thương tạm ổn, có thể đi lại được là Liệu lao vào làm việc bất kể khó nhọc mong bù đắp cho mẹ và thỏa nỗi khát khao được làm việc. Đến đêm, Liệu lại cùng các bạn đoàn viên, thanh niên trong thôn tổ chức sinh hoạt. Điều Liệu không nghĩ đến đã xảy ra, do làm việc nặng quá sức khiến cái chân trái của Liệu đã tái phát chấn thương. Do mang vác nhiều ngày nên hai đầu xương gãy không còn trụ thẳng được  mà bị cong lại, phù ra gây đau nhức.
Công việc ở thôn không đủ tiền mua thuốc, Liệu đánh liều vào Bình Dương tìm việc làm vừa đỡ đần được cho mẹ, vừa có tiền mua thuốc uống. Mẹ Liệu không nói gì, bà chỉ gạt nước mắt nhìn con bước lên xe cùng cây nạng gỗ mà không biết với bệnh tình này con trai sẽ làm gì để sống giữa chốn quê người. Nhưng bà hy vọng với nghị lực con trai sẽ tìm được việc làm.
Đầu năm 2012, Liệu đến ở trọ tại Bình Dương cùng một người bạn và bắt đầu tìm việc làm. Không ai dám nhận một thanh niên tật nguyền. Sau đó Liệu đến thuê phòng ở trọ tại ấp Tân Hóa, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên và được bà chủ nhà trọ bảo lãnh với chủ đại lý vé số để Liệu được nhận vé số đi bán dạo. Hàng ngày, với cây nạng gỗ và cái chân trái luôn lên cơn đau hành hạ chàng trai này vẫn cố gắng đi bộ hàng chục cây số để bán vé số. Liệu nói có khi đau quá thì ghé tiệm thuốc tây mua viên thuốc giảm đau uống rồi đi bán tiếp. Liệu bảo, anh phải có gắng chấp nhận và cố quên cơn đau để kiếm tiền lo cho mẹ tật nguyền cũng như mua thuốc cho bản thân mình. Nhưng cái ước nguyện tưởng chừng đơn giản ấy đối với Liệu là không đơn giản khi mà hiện sức khỏe của Liệu đã có dấu hiệu xấu đi. Liệu cho biết cái chân trái đã cong nhiều, phù ra và càng ngày càng đau hơn trước, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm và không có khả năng hồi phục. Với thu nhập từ việc bán vé số dạo thì để có tiền ăn, đóng tiền phòng trọ để sống qua ngày và uống thuốc giảm đau là đã khó huống hồ chi tiền phẫu thuật. Hành trình vật lộn với cuộc mưu sinh tìm lại sức khỏe để phụng dưỡng mẹ già của chàng trai ấy rất cần sự giúp đỡ, đồng hành của những tấm lòng nhân ái.  

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Hãy mang sự sống đến cho một gia đình đầy nghị lực

  Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may đồ

Thông thường, trong các loại bệnh, bệnh liên quan đến máu đều là những bệnh ngặt nghèo và nguy hiểm. Một gia đình có người mắc bệnh này đã là nỗi bất hạnh chứ đừng nói đến nhiều người. Thế nhưng có những gia đình vẫn đang phải đối mặt với thực tế đau lòng đó...
Gia đình của anh Huỳnh Tấn Dũng ngụ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên có đến 3 người bị mắc bệnh thalassemia dạng A (còn gọi là alpha-thalassemia, dạng nặng nhất của bệnh thalassemia, những người mắc bệnh này thường bị thiếu máu kinh niên do hồng cầu bị vỡ sớm hơn và làm tủy xương phải làm việc quá sức, trong một số trường hợp bệnh rất trầm trọng và không sống được lâu).
Tiếp chúng tôi ngay từ cửa vào, anh Dũng dù cố niềm nở nhưng vẫn không giấu được vẻ xanh xao, tiều tụy bởi căn bệnh đang hành hạ. Anh cho biết, trước đây anh khỏe mạnh và to con lắm, nhưng từ khi đổ bệnh đến giờ đã sụt đến hơn 20kg, giờ chỉ còn hơn 45kg mà thôi. Cách đây mấy bữa anh vẫn còn nằm liệt giường, chỉ mới khỏe lên vài hôm nay và cũng vừa đi bệnh viện về. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng tiếp lời chồng: Sau 12 năm lấy nhau, chúng tôi có 2 con. Cháu lớn là Huỳnh Thanh Thảo Trúc, SN 2002, còn cháu nhỏ là Huỳnh Tấn Trường, SN 2010. Và cả hai cháu cũng đều kém may mắn như cha khi cùng mắc căn bệnh thalassemia quái ác. Theo các bác sĩ chẩn đoán, cũng giống như cha, bệnh tình của bé Trường đang ngày một nặng hơn và nếu có được chữa trị thì cũng rất khó có khả năng dứt bệnh, bởi tỷ lệ chỉ là 1/1.000.
 
Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may đồ
Nhìn 3 cha con anh xanh xao, héo hon như tàu lá mới cảm nhận được sự tàn phá sức khỏe của căn bệnh lên con người. Buồn rười rượi, bé Thảo Trúc nói: Con là người bệnh nhẹ nhất nhà, chỉ phải uống thuốc thôi nhưng sao lúc nào con cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Những lúc muốn giúp mẹ làm việc nhà hay vui chơi cùng bạn bè mà không được, con buồn lắm.
Hiện tại, do bé Thảo bệnh nhẹ nên chỉ phải uống thuốc, còn lại anh và bé Trường phải truyền máu, uống thuốc và tái khám thường xuyên để theo dõi sát sao bệnh tình, đề phòng tình huống trở nặng bất ngờ. Chi phí dành cho việc tái khám truyền máu và mua thuốc rất tốn kém. Cứ 3 tháng một lần, hai cha con anh lại phải đi đến bệnh viện để truyền máu và mua thuốc, tính riêng mỗi người đã mất gần 2 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc anh và bé Trường vẫn thường xuyên bệnh đau trong quãng thời gian giữa kỳ tái khám.
Khó khăn chồng chất khó khăn với gia đình anh chị, bởi hiện tại cả hai đều không có công việc thật sự ổn định. Ngày trước, bằng nghề may tại nhà anh có thể kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày, nhưng kể từ khi đổ bệnh anh đành phải trông cậy tất cả vào vợ, bởi thời gian nằm viện của mình còn nhiều hơn ở nhà. Trong khi đó, vì để có thời gian chăm sóc chồng con, chị Thanh Hồng buộc phải nghỉ làm công nhân và xin làm việc bán thời gian ở chợ gần nhà, ky cóp cả tháng với các công việc chị cũng chỉ dành được khoảng 3 triệu đồng, cộng với khoản trợ cấp 340.000 đồng hàng tháng của thị trấn Uyên Hưng, vẫn là một số tiền quá ít ỏi so với thực tế mà gia đình chị cần lúc này. Mấy tháng trước còn ở nhà trọ, nhưng do chi phí phát sinh quá cao, vợ chồng anh chị buộc phải dọn về nhà ngoại để ở tạm cùng tìm sự cưu mang của ông bà. Tuy nhiên, do ông bà ngoại tuổi cũng đã cao nên khả năng giúp đỡ cũng chỉ có hạn mà thôi. Bây giờ bao nhiêu gánh nặng gia đình đang dồn hết lên vai của người vợ.
Tuy nhiên, trong lúc trò chuyện, chúng tôi vẫn thấy trong ánh mắt của chị sự lạc quan và một niềm tin mãnh liệt, có lẽ đây là động lực để giúp chị và gia đình đứng vững trước những khó khăn hiện tại. “Vẫn biết căn bệnh của gia đình tôi là rất khó chữa trị, chi phí lại rất cao, nhưng dù có trải qua bao nhiêu khó khăn đi nữa tôi cũng sẽ luôn cố gắng làm việc để kiếm tiền chữa bệnh cho chồng con. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là thấy họ được sống khỏe mạnh...”, chị Thanh Hồng tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Huỳnh Tấn Dũng xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên.